Để ôn thi vào lớp 10 đạt kết quả cao
Lượt xem:
TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM CÁC EM HỌC SINH ÔN THI VÀO LỚP 10 ĐẠT HIỆU QUẢ
Vừa kết thúc thi học kỳ II, học sinh lớp 9 đã gấp rút ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi lớp 10 sẽ diễn ra từ ngày 20 đến 24.6. Một số giáo viên nhiều kinh nghiệm đã chia sẻ những cách ôn tập hiệu quả.
Ba môn thi đã được xác định là Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh. Vì nội dung đề thi vẫn bám sát chương trình của bậc THCS, trong đó chủ yếu là chương trình lớp 9, nên nhiều giáo viên dự đoán, cấu trúc các đề sẽ na ná những năm trước.
Môn Văn: Chú ý bài văn nghị luận
Trong số ba môn, Ngữ văn là môn khó đạt điểm cao nhất. Thầy Thái Đình Quyền với nhiều năm kinh nghiệm ôn thi , đã đúc kết: “Hầu hết thí sinh còn yếu ở phần dựng đoạn văn. Với phần nghị luận, học sinh phải xác định chính xác vấn đề mình viết là gì, tránh lan man, lạc đề. Sau đó lập dàn ý, hình thành luận điểm và dựng đoạn văn”. Cô Nguyễn Thị Hồng Hạnh, giáo viên dạy văn Trường THCS Phan Đình Phùng, cho biết, không ít học sinh nghĩ rằng, chỉ cần chép y nguyên bài văn mẫu trong các sách tham khảo là được 5 điểm. Thực tế, những bài như vậy chỉ được 2-3 điểm, vì các nhà phê bình văn học có khi chỉ lấy một ý trong cả bài thơ để phân tích và chủ yếu theo xúc cảm riêng. Trong khi, bài thơ đó còn rất nhiều những ý chính khác cần đề cập. Theo cô Hạnh, đối với tác phẩm văn học, học sinh cần ôn kỹ hoàn cảnh ra đời, thể loại tác phẩm, phương thức biểu đạt, nội dung chính, nghệ thuật chính. Với nhân vật, phải nắm rõ hoàn cảnh, cuộc sống, tính cách, phẩm chất, và biết nhân vật đó điển hình cho lớp người nào trong xã hội. Cần ôn kỹ phương pháp của một bài tập làm văn, gồm 3 phần, mỗi phần phải làm gì để đảm bảo tính chính xác, đầy đủ ý, mạch lạc, logich. Học sinh khá, giỏi, nếu muốn liên hệ, nâng cao thì nên thể hiện khả năng ở phần cuối thân bài.
Riêng với phần Tiếng Việt, học sinh phải thuộc chính xác các khái niệm và xem lại những bài tập trong sách giáo khoa (SGK). Những năm qua, đề thi thường cho lại các bài tập Tiếng Việt ngay trong SGK Ngữ văn 9.
Môn Toán: Xoay quanh 4 nội dung
Cùng có hệ số 2 giống môn Văn là môn Toán. Khoảng 5 năm trở lại đây, cấu trúc đề thi Toán gần như không thay đổi nhiều, xoay quanh 4 nội dung chính: rút gọn biểu thức chứa căn thức bậc 2; giải phương trình, hệ phương trình; giải bài toán bằng cách lập phương trình bậc hai; một bài hình học và một câu hỏi nâng cao (thường 1 điểm) có nội dung thay đổi theo từng năm. Các giáo viên dạy Toán đánh giá, các đề thi không khó và ít đánh đố, chỉ cần học sinh hiểu kỹ và nắm chắc kiến thức cơ bản là có thể đạt điểm cao.
Để giải quyết tốt đề thi, với phần rút gọn biểu thức chứa căn thức bậc 2, học sinh cần phân các dạng bài tập ra và sưu tầm thêm ở các sách tham khảo để giải. Phần phương trình, hệ phương trình, học sinh phải thuộc các công thức. Giải bài toán bằng cách lập phương trình bậc hai nên xem kỹ các dạng toán chuyển động hoặc toán năng suất. Phần hình học phải nắm vững phần chứng minh tứ giác nội tiếp, có thể sử dụng hai góc đối bằng 180 độ hoặc hai điểm cùng nhìn một đoạn thẳng dưới 1 góc 90 độ… Với môn Toán, ôn tập là hệ thống kiến thức để hiểu sâu, nắm kỹ, sưu tầm nhiều dạng bài tập để tư duy, suy luận cách giải.
Tiếng Anh: Bám chắc kiến thức SGK
Sau khi Sở GD-ĐT công bố Tiếng Anh là môn thi thứ 3, nhiều giáo viên và học sinh đã thở phào nhẹ nhõm. Cô Phạm Thị Kim Loan, giáo viên Tiếng Anh Trường THCS Phan Đình Phùng, cho rằng chỉ cần bám chắc kiến thức SGK, chủ yếu lớp 9 là có thể đạt điểm cao. Cô Loan phân tích: “Đề thi các năm trước xoay quanh những yêu cầu về chia thì; viết câu chủ động – câu bị động; phần đọc hiểu (gồm 2 dạng: cho từ sẵn chọn điền ô trống hay trả lời câu hỏi); phần viết (cũng 2 dạng: cho 1 câu viết lại câu khác nhưng ý không đổi; cho một số từ gợi ý để viết thành câu hoàn chỉnh)…”.
Học sinh thường gặp khó khăn và bị mất nhiều điểm ở phần viết. Cô Loan khuyên: “Với dạng 1, học sinh phải rèn kỹ năng xác định nhanh, yêu cầu của đề liên quan đến điểm ngữ pháp nào, phải dùng công thức gì để giải quyết. Còn dạng 2 thì phải nghĩ trong đầu dùng công thức gì để viết, chẳng hạn nếu là đại từ quan hệ thì chỉ người dùng gì, vật dùng gì, giới từ liên kết trong câu là gì?…”.
Học sinh phải học kỹ, nếu học thuộc thì càng tốt các đề tài (topic) trong SGK, nhưng cũng không nên chỉ chăm chăm vào phần đọc hiểu, mà cần xem kỹ cả phần Đọc, Nghe và Viết. Vì thi môn Tiếng Anh vào 10 yêu cầu bằng hình thức tự luận nên học sinh THCS lâu nay quen với cách làm bài trắc nghiệm, phải tập viết đúng, viết đủ để tránh sai – sót giới từ, mạo từ một cách đáng tiếc.
Những học sinh đăng ký thi vào các lớp chuyên của Trường THPT chuyên Nguyễn Du chắc chắn phải ôn tập nhiều hơn trong giai đoạn nước rút này. Thầy Cao Xuân Quế, Phó Hiệu trưởng nhắc nhở: “Đề thi vào các lớp chuyên luôn được đánh giá là có phạm vi kiến thức rộng và sâu hơn đề thi vào lớp 10 công lập. Để ôn tập tốt, học sinh phải bám chặt vào yêu cầu và đặc điểm của từng bộ môn. Chẳng hạn, môn Hóa học lớp 9 thường gồm 2 phần: vô cơ và hữu cơ. Đề thi mọi năm thường nghiêng về phần vô cơ hơn. Ngoài kiến thức, học sinh cần dành nhiều thời gian rèn cho mình những kỹ năng, kỹ xảo, chuẩn bị tốt tâm lý thi cử và phải biết giữ gìn sức khỏe nữa”. Thầy Quế khẳng định nếu học sinh tự học tốt và hướng dẫn ôn tập đề cương của giáo viên chắc chắn học sinh sẽ đạt kết quả cao trong kỳ thi vào lớp 10.
Tác giả bài viết: Cao Xuân Quế