Gánh nặng mang tên: Ước mơ của cha mẹ
Lượt xem:
Các bậc phụ huynh không nên đặt ước mơ của mình lên vai của con cái mà quên đi niềm đam mê và hoài bão của riêng con mình.
T.Linh (lớp 12 THPT Trần Phú, Hà Nội) đang vô cùng băn khoăn bởi không biết nên chọn trườngthi theo sở thích và khả năng của mình hay theo lựa chọn của bố mẹ. Thực tế, cô gái trẻ đam mê trở thành một diễn múa từ ngày còn bé. Lớn lên, Linh trốn bố mẹ tham gia câu lạc bộ múa ở cung Văn hóa… để theo đuổi đam mê của mình. Bố mẹ thì muốn Linh theo nghề kinh tế để sau này có thể dễ dàng xin việc cho con gái sau khi ra trường, không muốn để Linh lăn lộn với nghệ thuật đầy gian truân và vất vả.
Linh nghẹn ngào tâm sự: “Mình cảm thấy không hợp và không thể theo ngành kinh tế nhưng cũng không thể làm trái lời bố mẹ. Hồ sơ thi đại học mình có nộp hai trường. Nhưng nghĩ đến ngày phải từ bỏ ước mơ, hoài bão bấy lâu nay mình không đành lòng. Ước gì bố mẹ có thể hiểu cho mình hơn”.
Trước ngưỡng cửa cuộc đời, con cái phải chịu rất nhiều áp lực (Nguồn: Internet)
Trường hợp của Linh không phải là hiếm, bởi cách suy nghĩ và hành động của hai thế hệ hoàn toàn trái ngược nhau. Quan trọng là con cái luôn phải thực hiện ý muốn của cha mẹ một cách miễn cương, vô điều kiện mà bỏ đi giấc mơ, đam mê của mình. Điều này có thực sự tốt cho con khi chỉ bản thân chúng mới biết rõ khả năng và mong muốn của mình.
Cha mẹ nào cũng khẳng định rằng mình rất yêu thương con cái và mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho chúng, nhưng nhiều bậc cha mẹ lại tước đi quyền quyết đinh cuộc đời của con. Bằng chứng là việc cha mẹ thường đặt rất nhiều kỳ vọng vào con cái mà không tìm hiểu xem con mình thật sự mong muốn, có thiên hướng gì và đâu là con đường phù hợp cho chúng. Những kỳ vọng ấy chính là những ước mơ không thành của cha mẹ. Vậy là con trẻ phải sống nốt phần đời chưa trọn của cha mẹ. Những ước muốn và hoài bão của chúng chắc lại phải giành cho đời sau.
Cha mẹ không nên ép buộc con cái (Nguồn:Internet)
Những hành động, suy nghĩ của cha mẹ đều vì muốn tốt cho con trẻ. Muốn chúng chọn được ngành học tốt để sau này ra trường có công ăn việc làm ổn định, kinh tế khá giả. Cũng có nhiều trường hợp cha mẹ muốn con cái theo ngành của mình để có thể dễ giúp đỡ con cái sau này. Và lý do cuối, cha mẹ không có thời gian để tìm hiểu con, hiểu những mong muốn, sở thích của con mình.
Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Mỹ Linh Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng tâm lý và truyền thông cộng đồng (TP.HCM), cho biết, nhiều bậc cha mẹ do muốn con có một tương lai tốt đẹp nên thường bắt ép con cái phục tùng ý mình; họ hay chỉ trích những ước mơ của con với những đánh giá chủ quan mà không xét đến sở thích, năng khiếu… của trẻ.
Trẻ càng nhỏ càng nhiều ước mơ, nhiều mong muốn và những suy nghĩ đó của trẻ sẽ biến đổi theo hoàn cảnh và thời gian. Sự gần gũi, sẻ chia và đồng cảm với trẻ sẽ giúp cha mẹ có thể lèo lái con đi đến một quyết định đúng đắn. Những suy nghĩ chủ quan, không quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của con cái, có thể khiến đôi khi cha mẹ vô tình trở thành người đánh cắp ước mơ của con, áp đặt trẻ thực hiện những ước mơ mà mình chưa thực hiện được. “Chẳng ai có thể thực hiện tốt giấc mơ của người khác”, thạc sĩ Mỹ Linh nói.
Ðặt kỳ vọng vào con là điều không có gì sai trái. Trước ngã rẽ quan trọng có tính chất quyết định cho tương lai sau này, sự hỗ trợ, đồng hành với con cái là rất cần thiết khi các em chưa đủ kinh nghiệm sống và sự chín chắn để có thể chọn cho mình một hướng đi đúng. Nhưng như thế không đồng nghĩa với sự áp đặt các con theo một khuôn mẫu nào đó. Sự hỗ trợ nhưng không áp đặt của cha mẹ phần nào giải tỏa được áp lực tâm lý – một yếu tố vô cùng quan trọng đối với các em trong thời điểm nhạy cảm này.