TUYỂN SINH LỚP 6 THCS VÀ LỚP 10 THPT NĂM HỌC 2013 – 2014

Lượt xem:

Đọc bài viết

       UBND TỈNH ĐẮK LẮK                CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO                           Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Số: 37/KH-SGDĐT                                              Đắk Lắk, ngày 17  tháng 5  năm 2013.
KẾ HOẠCH
TUYỂN SINH LỚP 6 THCS VÀ LỚP 10 THPT
NĂM HỌC 2013 – 2014


Thực hiện Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở (THCS) và tuyển sinh trung học phổ thông (THPT) ban hành kèm theo Thông tư số 02/2013/TT-BGDĐT ngày 30/01/2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT); Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên ban hành kèm theo Thông tư số 06/2012/TT-BGDĐT ngày 15/02/2012 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT) ban hành theo Quyết định số 49/2008/QĐ-BGDĐT ngày 25/8/2008 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Chỉ thị nhiệm vụ năm học 2012 – 2013 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk lập kế hoạch tuyển sinh năm học 2013– 2014 như sau:
   I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
– Tuyển sinh vào các lớp đầu cấp THCS, THPT nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các trường học.
– Đảm bảo huy động tối đa học sinh hoàn thành chương trình Tiểu học còn trong độ tuổi vào học lớp 6 THCS.
– Thực hiện phân luồng đào tạo sau khi học sinh tốt nghiệp THCS.
2. Yêu cầu
Phải bảo đảm đúng quy chế, chính xác, công bằng và khách quan.
  II. CÁC VĂN BẢN THỰC HIỆN CÔNG TÁC TUYỂN SINH
Tuyển sinh vào lớp 6 THCS và lớp 10 THPT năm học 2013 – 2014 thực hiện theo các văn bản sau:
1. Thông tư số 02/2013/TT-BGDĐT ngày 30/01/2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông.
2. Thông tư số 06/2012/TT-BGDĐT, ngày 15/02/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên.
3. Quyết định số 49/2008/QĐ-BGDĐT ngày 25/8/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú.
  III. TUYỂN SINH LỚP 6 THCS
1. Tuyển sinh ở các trường THCS
   – Phương thức tuyển sinh: Xét tuyển.
– Đối tượng tuyển sinh: Tất cả học sinh đã hoàn thành chương trình Tiểu học còn trong độ tuổi quy định và có đủ hồ sơ hợp lệ.
– Phòng GD&ĐT huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch tuyển sinh trình UBND huyện, thị xã, thành phố phê duyệt trước khi ban hành hướng dẫn tuyển sinh. Sau khi được phê duyệt, gửi kế hoạch tuyển sinh cho Sở GD&ĐT.
2. Tuyển sinh các trường phổ thông DTNT huyện, thị xã, thành phố
– Phương thức tuyển sinh:  Tổ chức kiểm tra đầu vào để tuyển sinh.
+ Tổ chức sơ tuyển: Mỗi huyện, thị xã, thành phố thành lập 01 Hội đồng sơ tuyển.
+ Môn kiểm tra: Toán và Tiếng Việt. Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm ra đề kiểm tra. Nội dung đề kiểm tra nằm trong chương trình Tiểu học hiện hành, chủ yếu trong chương trình lớp 5.
– Tổ chức kiểm tra, chấm và xét học sinh trúng tuyển là trách nhiệm của các trường phổ thông DTNT tham mưu cho UBND huyện, thị xã, thành phố quyết định.
– Ngày kiểm tra: 24/6/2013.
– Lịch kiểm tra:

Ngày Buổi Môn
kiểm tra
Thời gian
làm bài
Giờ phát đề thi Giờ bắt đầu làm bài
24/6/2013 Sáng Tiếng Việt 90 phút 7 giờ 25 7 giờ 30
Chiều Toán 90 phút 14 giờ 25 14 giờ 30

– Sở GD&ĐT sẽ có công văn hướng dẫn cụ thể riêng.
 IV. TUYỂN SINH LỚP 10 THPT
1. Chỉ tiêu tuyển sinh
Căn cứ vào quy mô, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên; định hướng phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS của Bộ GD&ĐT và nhu cầu học tập của học sinh, Sở GD&ĐT giao chỉ tiêu cho từng trường THPT.
2. Điều kiện tuyển sinh, chính sách tuyển thẳng,  ưu tiên, khuyến khích
a) Độ tuổi dự tuyển:
Thực hiện theo đúng Quy chế. Cần lưu ý:
– Tuổi của học sinh vào học lớp 10  là 15  tuổi. Theo quy định học sinh không được lưu ban quá 02 lần trong một cấp học vì vậy độ tuổi tuyển sinh vào lớp 10 là từ 15 đến 17 tuổi.
– Đối với những học sinh được học vượt  lớp ở cấp học trước hoặc học sinh vào cấp học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định thì tuổi vào lớp 10 được giảm hoặc tăng căn cứ vào tuổi của  năm tốt nghiệp cấp học trước.
– Học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh ở nước ngoài về nước có thể vào cấp học ở tuổi cao hơn 3 tuổi so với tuổi quy định.
– Hội đồng tuyển sinh chịu trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ dự tuyển, cần đối chiếu giấy khai sinh với các loại giấy tờ quy định khác của người dự tuyển.
b)  Đối tượng dự tuyển:
Đối tượng dự tuyển vào trường THPT là người đã tốt nghiệp THCS hoặc tốt nghiệp bổ túc THCS còn trong độ tuổi và có hồ sơ hợp lệ. Riêng đối với các trường THPT chuyên biệt cần thêm điều kiện sau:
+ Trường THPT DTNT N’Trang Lơng: Học sinh phải qua vòng sơ tuyển ở cấp huyện mới được dự thi, dự xét.
+ Trường THPT Chuyên Nguyễn Du: Học sinh phải được xếp loại hạnh kiểm, học lực cả năm học của các lớp cấp trung học cơ sở từ khá trở lên; xếp loại tốt nghiệp trung học cơ sở từ khá trở lên.
c) Chính sách tuyển thẳng; chế độ ưu tiên, khuyến khích (chỉ thực hiện khi tuyển sinh vào các trường THPT không chuyên).
Chính sách tuyển thẳng; ưu tiên, khuyến khích đối với học sinh dự tuyển vào lớp 10 THPT thực hiện theo Điều 8 của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT ban hành kèm theo Thông tư số 02/2013/TT-BGD&ĐT.
Cần lưu ý các chính sách tuyển thẳng; ưu tiên, khuyến khích sau:
– Tuyển thẳng vào trung học phổ thông các đối tượng sau đây: Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú đã tốt nghiệp trung học cơ sở, học sinh là người dân tộc rất ít người (theo Quyết định số 2123/QĐ-TTg Phê duyệt đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010-2015 ngày 22/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Gồm 9 dân tộc: Ơ Đu, Pu Péo, Si La, Rơ Măm, Cống, Brâu, Bố Y, Mảng, Cờ Lao). Nguyên tắc tuyển thẳng được thực hiện như sau:
+ Đối với địa bàn cấp huyện vừa có trường THPT công lập tổ chức thi tuyển vừa có trường THPT công lập tổ chức xét tuyển: Học sinh thuộc diện tuyển thẳng sẽ được tuyển thẳng vào trường THPT xét tuyển sinh mà học sinh đăng ký dự tuyển nếu học sinh không trúng tuyển vào trường THPT thi tuyển hoặc không dự thi tuyển sinh.
+ Đối với địa bàn cấp huyện mà các trường THPT công lập đều tổ chức xét tuyển: Học sinh thuộc diện tuyển thẳng sẽ được tuyển thẳng vào trường THPT học sinh đăng ký dự tuyển sinh.
– Chế độ ưu tiên: Thực hiện theo Quy chế. Cần lưu ý:
+ Những học sinh có nhiều chế độ ưu tiên khác nhau thì chỉ được hưởng một mức cộng điểm của loại ưu tiên cao nhất (ví dụ: học sinh vừa là con liệt sĩ vừa là dân tộc thiểu số thì chỉ được hưởng ưu tiên cao nhất là con liệt sĩ nên chỉ được cộng 3 điểm).
+ Vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn thực hiện theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg, ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn.
+ Học sinh đạt giải cá nhân trong các kỳ thi Giải Toán qua Internet, thi Tiếng Anh qua Internet ở cấp THCS được cộng điểm khuyến khích khi tuyển sinh vào lớp 10  năm học 2013-2014 như sau:
Cộng 2,0 điểm cho học sinh đạt giải trong kỳ thi cấp Quốc gia; đạt giải nhất (huy chương vàng) trong kỳ thi cấp tỉnh;
Cộng 1,5 điểm cho học sinh đạt giải nhì (huy chương bạc) trong kỳ thi cấp tỉnh;
Cộng 1,0 điểm cho học sinh đạt giải ba (huy chương đồng) trong kỳ thi cấp tỉnh.
+ Điểm cộng thêm tối đa cho các đối tượng được hưởng chính sách ưu tiên, khuyến khích áp dụng cho từng phương thức tuyển sinh được quy định tại các Điều 11, 12, 17 của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT.
3. Hồ sơ tuyển sinh
    a) Mẫu phiếu đăng ký tuyển do Sở GD&ĐT phát hành thống nhất trong toàn tỉnh (các trường đăng ký số lượng đơn dự tuyển về phòng Giáo dục trung học chậm nhất vào ngày 22/5/2013). Trường THPT Chuyên Nguyễn Du, trường THPT DTNT N’Trang Lơng, trường THPT Thực hành Cao Nguyên, Văn hóa 3 sử dụng mẫu của nhà trường.
b) Bản sao giấy khai sinh.
c) Bản sao bằng tốt nghiệp THCS, bản sao bằng tốt nghiệp bổ túc THCS hoặc bản chính giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời trong năm dự tuyển (học sinh dự tuyển vào trường THPT Thực hành Cao Nguyên chỉ nộp bản công chứng).
d) Học bạ trung học cơ sở: Học sinh chỉ nộp bản phô tô công chứng học bạ. Riêng trường xét tuyển sinh phải nộp học bạ chính.
đ) Bản phô tô công chứng sổ hộ khẩu.
e) Giấy xác nhận chế độ ưu tiên, khuyến khích do cơ quan có thẩm quyền cấp.
g) 02 ảnh cỡ 3cm x 4cm (kiểu ảnh chứng minh nhân dân).
Sau khi học sinh trúng tuyển, nhà trường yêu cầu nộp bản chính học bạ và các giấy tờ liên quan
.

4. Địa bàn tuyển sinh
– Trường THPT Thực hành Cao Nguyên được tuyển học sinh có hộ khẩu thường trú hoặc tốt nghiệp THCS thuộc địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.
– Trường THPT Chuyên Nguyễn Du, trường THPT DTNT N’Trang Lơng, trường THPT Phú Xuân chỉ tuyển những học sinh có hộ khẩu thường trú hoặc tốt nghiệp THCS thuộc tỉnh Đắk Lắk.
– Các trường THPT còn lại chỉ được tuyển học sinh có hộ khẩu thường trú hoặc tốt nghiệp THCS thuộc phạm vi địa bàn huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là địa bàn tuyển sinh). Học sinh đăng ký dự tuyển sinh tại địa bàn khác phải có lý do chính đáng thì Hiệu trưởng (nơi tuyển) trình Giám đốc Sở đồng ý mới cho đăng ký dự tuyển.
5. Phương thức tuyển sinh
a) Trường THPT Thực hành Cao Nguyên:
Thi tuyển sinh theo kế hoạch của nhà trường sau khi được Sở GD&ĐT phê duyệt, trên cơ sở xây dựng trường đạt tiên tiến, có đào tạo học sinh giỏi cho tỉnh Đắk Lắk.
b) Trường THPT Chuyên Nguyễn Du:
Thi tuyển sinh theo quy chế của Bộ GD&ĐT và thi chung kỳ đối với các môn không chuyên cùng các trường THPT không chuyên tổ chức thi trong tỉnh. Cụ thể:
– Vòng 1 sơ tuyển: Giao cho nhà trường sơ tuyển khi nhận hồ sơ.
Học sinh được tham gia thi tuyển vòng 2 nếu đạt các tiêu chí sau:
+ Xếp loại hạnh kiểm và học lực cả năm của 4 năm cấp Trung học cơ sở từ khá trở lên;
+ Xếp loại tốt nghiệp Trung học cơ sở từ khá trở lên.
– Vòng 2: Thi tuyển theo quy chế
c) Trường THPT DTNT N’ Trang Lơng: Thi tuyển.
– Tổ chức sơ tuyển trước khi thi tuyển.
– Môn thi: Ngữ văn, Toán và môn Ngoại ngữ. (Sở có công văn hướng dẫn riêng).
d) Trường THPT Văn hoá 3 và trường phổ thông DTNT Tây Nguyên được tuyển sinh theo kế hoạch riêng của trường.
e) Các trường THPT còn lại:
Tổ chức thi tuyển sinh: 10 trường; tổ chức xét tuyển sinh: 38 trường. Cụ thể:
– Các trường tổ chức thi tuyển sinh:
+ Thành phố Buôn Ma Thuột 03 trường: THPT Buôn Ma Thuột, THPT Chu Văn An, THPT Hồng Đức (chỉ chọn thi tuyển sinh đối với các trường THPT có số lượng hồ sơ đăng ký dự thi 02 năm học liền kề trước năm học này đạt 120% trở lên so với chỉ tiêu giao).
+ Huyện Krông Pắc 01 trường: THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm.
+ Huyện Ea Kar 01 trường: THPT Ngô Gia Tự.
+ Thị xã Buôn Hồ 01 trường: THPT Buôn Hồ.
+ Huyện Krông Năng 01 trường: THPT Phan Bội Châu.
  + Huyện Cư M’gar 01 trường: THPT Cư M’gar.
+ Huyện Ea H’Leo 01 trường: THPT Ea’Leo.
+ Huyện Krông Ana 01 trường: THPT Krông Ana.
Những trường THPT thi tuyển sinh nếu số lượng hồ sơ đăng ký dự thi không đạt 120% trở lên so với chỉ tiêu giao thì năm học sau sẽ chuyển sang phương thức xét tuyển.
– Các trường tổ chức xét tuyển sinh: Tất cả các trường còn lại không thuộc danh sách trường tổ chức thi tuyển.
6. Môn thi, đăng ký dự thi và đăng ký nguyện vọng
a) Trường THPT Chuyên Nguyễn Du:
– Đăng ký dự thi:
Học sinh đăng ký dự thi 04 môn: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ (Tiếng Anh hoặc Tiếng Pháp) và chỉ được đăng ký dự thi 01 môn chuyên.
–  Đăng ký nguyện vọng vào các trường THPT không chuyên tổ chức thi tuyển sinh:
+ Học sinh dự thi trường THPT Chuyên Nguyễn Du được quyền đăng ký thêm tối đa 2 nguyện vọng vào 02 trường THPT thuộc địa bàn tuyển sinh huyện, thị xã, thành phố có tổ chức thi tuyển sinh. Nguyện vọng 1: tại 01 trường THPT tổ chức thi tuyển sinh trên địa bàn học sinh được tuyển sinh; Nguyện vọng 2: tại 01 trường THPT khác trên địa bàn học sinh được tuyển sinh. Những địa bàn cấp huyện chỉ có 01 trường THPT tổ chức thi tuyển sinh thì học sinh chỉ được đăng ký thêm 01 nguyện vọng.
+ Học sinh dự thi trường THPT Chuyên Nguyễn Du nếu có nguyện vọng đăng ký xét vào trường THPT DTNT N’Trang Lơng thì được quyền đăng ký thêm tối đa 2 nguyện vọng. Nguyện vọng 1: tại trường THPT DTNT N’Trang Lơng; Nguyện vọng 2: tại 01 trường THPT trên địa bàn học sinh được tuyển sinh.
Những học sinh này phải liên hệ với các trường phổ thông DTNT cấp huyện, nếu ở địa bàn huyện Krông Búk thì liên hệ với phòng GD&ĐT để được hướng dẫn hồ sơ dự sơ tuyển tại huyện, thị xã, thành phố nơi học sinh cư trú. Học sinh đủ điều kiện ở vòng sơ tuyển, được hội đồng sơ tuyển chứng nhận mới được đăng ký nguyện vọng xét vào trường THPT DTNT N’Trang Lơng.
+ Học sinh không vi phạm quy chế thi, dự thi đủ các môn không chuyên theo quy định nếu không trúng tuyển vào các lớp chuyên thì căn cứ tổng số điểm các bài thi môn không chuyên và môn chuyên (điểm các bài thi đều tính hệ số 1) để xét vào học các lớp không chuyên của trường theo Quy chế và chỉ tiêu Sở GD&ĐT giao.
+ Học sinh không vi phạm quy chế thi, dự thi đủ các môn không chuyên theo quy định nếu không trúng tuyển vào trường THPT Chuyên Nguyễn Du sẽ được lấy kết quả điểm thi 3 môn: Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ để xét vào trường THPT DTNT N’Trang Lơng (nếu có đăng ký) và các trường THPT tổ chức thi  trên địa bàn tuyển sinh theo nguyện vọng đăng ký.
+ Việc xét nguyện vọng 1 và 2 vào các trường THPT không chuyên của học sinh dự thi vào trường THPT Chuyên Nguyễn Du ngang bằng như những thí sinh dự thi vào các trường THPT không chuyên khác trong tỉnh.
+ Học sinh không đăng ký nguyện vọng vào các trường THPT tổ chức thi thì sẽ không được xét tuyển.
–       Đăng ký dự tuyển vào các trường THPT xét tuyển sinh:
Sau khi trường THPT Chuyên Nguyễn Du và các trường THPT tổ chức thi công bố danh sách trúng tuyển, những học sinh không trúng tuyển liên hệ với một trường THPT xét tuyển sinh thuộc địa bàn tuyển sinh để nộp hồ sơ xin xét tuyển.
b)  Trường THPT DTNT N’Trang Lơng:
– Tổ chức thi tuyển, gồm 03 môn thi: Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ, thi chung kỳ với các trường THPT thi tuyển khác.
–  Đăng ký nguyện vọng vào các trường THPT không chuyên tổ chức thi:
+ Học sinh dự thi trường THPT DTNT N’Trang Lơng được quyền đăng ký thêm tối đa 2 nguyện vọng vào 02 trường THPT thuộc địa bàn tuyển sinh huyện, thị xã, thành phố tổ chức thi tuyển sinh. Nguyện vọng 1: tại 01 trường THPT trên địa bàn học sinh được tuyển sinh; Nguyện vọng 2: tại 01 trường THPT khác trên địa bàn học sinh được tuyển sinh. Những địa bàn cấp huyện chỉ có 01 trường THPT tổ chức thi tuyển sinh thì học sinh chỉ được đăng ký thêm 01 nguyện vọng.
+ Học sinh không vi phạm quy chế thi, dự thi đủ các môn theo quy định nếu không trúng tuyển vào trường THPT DTNT N’Trang Lơng sẽ được lấy kết quả điểm thi 3 môn: Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ để xét vào các trường THPT tổ chức thi  trên địa bàn tuyển sinh theo nguyện vọng đăng ký.
+ Việc xét nguyện vọng 1 và 2 vào các trường THPT không chuyên của học sinh dự thi vào trường THPT DTNT N’Trang Lơng ngang bằng như những thí sinh dự thi vào các trường THPT không chuyên khác trong tỉnh.
+ Học sinh không đăng ký nguyện vọng vào các trường THPT tổ chức thi thì sẽ không được xét tuyển.
–       Đăng ký dự tuyển vào các trường THPT xét tuyển sinh:
Sau khi trường THPT DTNT N’Trang Lơng và các trường THPT tổ chức thi công bố danh sách trúng tuyển, những học sinh không trúng tuyển liên hệ với một trường THPT xét tuyển sinh thuộc địa bàn tuyển sinh để nộp hồ sơ xin xét tuyển.
– Việc đăng ký dự thi tuyển sinh vào trường THPT DTNT N’Trang Lơng, Sở GD&ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn riêng.
c)   Học sinh dự thi vào các trường THPT không chuyên tổ chức thi:
– Đăng ký dự thi:
Học sinh thuộc địa bàn tuyển sinh của các trường tổ chức thi tuyển sinh được đăng dự thi và thi 03 môn Ngữ văn; Toán và Ngoại ngữ
– Đăng ký nguyện vọng:
+ Học sinh được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng tại các trường THPT tổ chức thi thuộc địa bàn tuyển sinh:
Nguyện vọng 1: tại trường THPT dự thi;
Nguyện vọng 2: tại 01 trường THPT khác trường dự thi;
Nguyện vọng 3: tại 01 trường THPT khác các trường đã đăng ký
.
+ Học sinh dự thi có thể đăng ký ít hơn 3 nguyện vọng nhưng phải đăng ký nguyện vọng 1. Những địa bàn cấp huyện chỉ có 01 trường THPT tổ chức thi tuyển sinh thì học sinh chỉ được đăng ký thêm 01 nguyện vọng.
+ Học sinh không đăng ký nguyện vọng vào các trường THPT tổ chức thi thì sẽ không được xét tuyển.
– Đăng ký dự tuyển vào các trường THPT xét tuyển sinh:
Học sinh ở những địa bàn vừa có trường tổ chức thi tuyển sinh vừa có trường tổ chức xét tuyển sinh nếu không trúng tuyển vào trường thi tuyển thì liên hệ với một trường THPT trên địa bàn tổ chức xét tuyển để đăng ký xét tuyển.
 d) Trường THPT Thực hành Cao Nguyên:
– Thi 03 môn: Ngữ văn, Toán và Hóa học.

– Được phép tuyển sinh theo kế hoạch của nhà trường đã được Sở GD&ĐT phê duyệt.
– Kết quả tuyển sinh của trường THPT Thực hành Cao Nguyên không dùng để xét tuyển sinh vào các trường THPT khác.
– Học sinh tỉnh Đắk Lắk dự thi vào trường THPT Thực hành Cao Nguyên được đăng ký dự thi hoặc xét tuyển sinh vào các trường THPT khác thuộc địa bàn tuyển sinh và được chọn trường để học nếu trúng tuyển vào cả hai trường.
e) Các trường THPT áp dụng phương thức xét tuyển sinh:
– Các trường THPT áp dụng phương thức xét tuyển để tuyển sinh cho học sinh đăng ký dự xét tuyển sinh sau khi các trường tổ chức thi tuyển sinh công bố danh sách học sinh trúng tuyển. Tổ chức xét tuyển sinh theo lịch và kế hoạch.
– Tổ chức xét tuyển theo đúng quy chế của Bộ GD&ĐT.
7. Ngày thi, lịch thi
Trường THPT Chuyên Nguyễn Du, trường THPT DTNT N’Trang Lơng và các trường THPT không chuyên tổ chức thi tuyển sinh sẽ thi chung một kỳ, trường THPT Thực hành Cao Nguyên tổ chức thi riêng.
a) Trường THPT DTNT N’Trang Lơng và các trường THPT không chuyên tổ chức thi tuyển sinh:
– Ngày thi : 24, 25/6/2013
 Lịch thi:

Ngày Buổi Môn thi Thời gian làm bài Giờ phát đề thi Giờ bắt đầu làm bài
24/6/2013 Sáng Ngữ văn 120 phút 7 giờ 25 7 giờ 30
Chiều Ngoại ngữ 60 phút 14 giờ 15 14 giờ 30
25/6/2013 Sáng Toán 120 phút 7 giờ 25 7 giờ 30
   

       b) Trường THPT Chuyên Nguyễn Du
– Ngày thi: 24, 25/6/2013.
– Lịch thi:

Ngày Buổi Môn thi Thời gian làm bài Giờ phát đề thi Giờ bắt đầu làm bài
24/6/2013 Sáng Ngữ văn 120 phút 7 giờ 25 7 giờ 30
Chiều Ngoại ngữ 60 phút 14 giờ 15 14 giờ 30
25/6/2013 Sáng Toán 120 phút 7 giờ 25 7 giờ 30
Chiều Môn chuyên: Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Hoá học. 120 phút 14 giờ 25 14 giờ 30
Môn chuyên: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Toán,
Vật lí, Sinh học.
150 phút 14 giờ 25 14 giờ 30

  d) Trường THPT Thực hành Cao Nguyên
     Thi theo kế hoạch của nhà trường vào ngày 21, 22/6/2013.
8. Đề thi

Nội dung đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT nằm trong chương trình THCS hiện hành, chủ yếu trong chương trình lớp 9.
a) Trường THPT DTNT N’Trang Lơng và các trường THPT không chuyên tổ chức thi tuyển:
Đề thi các môn Ngữ văn và Toán có thời lượng 120 phút, thi theo hình thức tự luận; đề thi môn Ngoại ngữ có thời lượng 60 phút, thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; thi chung đề với các trường THPT khác.
b) Trường THPT Chuyên Nguyễn Du
– Môn thi không chuyên: Toán và Ngữ văn có thời lượng 120 phút, thi theo hình thức tự luận; môn Ngoại ngữ có thời lượng 60 phút, thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; thi chung đề với các trường THPT không chuyên.
– Môn thi chuyên: Hoá học và Ngoại ngữ có thời lượng 120 phút; các môn chuyên: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Toán, Vật lí, Sinh học có thời lượng 150 phút. Tất cả các môn chuyên đều thi theo hình thức tự luận. Học sinh chỉ được dự thi 01 môn chuyên. Học sinh dự thi vào môn chuyên Tin học phải thi môn Toán, chung đề với học sinh thi chuyên Toán.
9. Tổ chức chấm thi
Sở GD&ĐT thành lập 1 Hội đồng chấm thi chung của tỉnh đặt tại trường THPT Chuyên Nguyễn Du. Riêng trường THPT Thực hành Cao Nguyên được thành lập Hội đồng chấm thi riêng.
10. Nguyên tắc xét tuyển sinh bằng phương thức thi tuyển
a) Xét tuyển vào trường THPT Chuyên Nguyễn Du
Thực hiện Quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên để xét tuyển.
b)     Xét tuyển vào trường THPT DTNT N’Trang Lơng
Sau khi chấm thi xong, Sở GD&ĐT giao nhà trường tổ chức xét tuyển sinh trên cơ sở căn cứ vào số lượng học sinh ở các huyện, thị xã, thành phố đăng ký dự thi để phân chỉ tiêu và xét theo khu vực cấp huyện.
Sau khi hoàn thành công tác tuyển sinh, Hiệu trưởng nhà trường trình Giám đốc Sở GD&ĐT phê duyệt kết quả tuyển sinh.
c)     Xét tuyển vào các trường THPT khác
– Nguyên tắc xét tuyển sinh của một trường:
+ Xét theo thứ tự từ nguyện vọng 1 đến nguyện vọng 3. Học sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 thì sẽ không được xét tuyển nguyện vọng 2 và 3; học sinh trúng tuyển nguyện vọng 2 thì sẽ không được xét nguyện vọng 3.
+ Điểm chuẩn nguyện vọng 2 cao hơn điểm chuẩn nguyện vọng 1 không quá một điểm; điểm chuẩn nguyện vọng 3 cao hơn điểm chuẩn nguyện vọng 2 không quá một điểm.
–       Lưu ý:
+ Sau khi trúng tuyển, học sinh không được thay đổi nguyện vọng đã đăng ký hoặc chuyển trường. Trường hợp chuyển trường phải có lý do chính đáng và đạt điểm tuyển sinh bằng hoặc cao hơn điểm chuẩn của trường chuyển đến mới được phép chuyển trường.
+ Nếu vì lý do nào đó mà trường tuyển sinh không đạt so với chỉ tiêu giao thì căn cứ vào tình hình thực tế, nhà trường đề xuất phương án để Giám đốc Sở quyết định.
11. Hội đồng tuyển sinh, tổ chức xét tuyển sinh
– Mỗi trường THPT chịu trách nhiệm đề xuất nhân sự Hội đồng tuyển sinh của đơn vị mình theo đúng Quy chế, trình Giám đốc Sở GD&ĐT ra quyết định thành lập Hội đồng tuyển sinh. Chậm nhất ngày 22/5/2013 phải gửi tờ trình đề nghị nhân sự cho Sở GD&ĐT (qua E-mail nội bộ và qua đường công văn cho phòng GDTrH).
– Đối với các trường THPT tổ chức thi tuyển sinh: Sau khi chấm thi xong, Sở GD&ĐT sẽ tổ chức họp các Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh để thống nhất điểm chuẩn và số lượng tuyển sinh cho từng trường. Riêng trường THPT Chuyên Nguyễn Du và trường THPT DTNT N’Trang Lơng, sau khi chấm thi xong Hiệu trưởng nhà trường trực tiếp duyệt kết quả với Sở GD&ĐT.
– Đối với trường THPT tổ chức xét tuyển sinh: Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh tổ chức xét theo đúng Quy chế và thời gian quy định. Sau khi xét xong, gửi danh sách trúng tuyển, tờ trình đề nghị Giám đốc Sở GD&ĐT chuẩn y điểm chuẩn và số lượng học sinh trúng tuyển.
12. Chế độ tuyển sinh đối với học sinh dân tộc tại chỗ:
Năm học 2013-2014 Sở GD&ĐT giao chỉ tiêu cho các trường THPT tuyển sinh số lượng học sinh dân tộc tại chỗ (Ê Đê, Mơ Nông, Ja Rai) ít nhất 5% tổng chỉ tiêu giao cho nhà trường, lấy theo thứ tự xét tuyển từ cao xuống thấp.
13. Kế hoạch và thời gian làm việc
a) Lịch làm việc của Hội đồng tuyển sinh các trường tổ chức thi
– Từ ngày 20/5/2013: Các trường THPT phối hợp với các trường THCS trên địa bàn thông báo kế hoạch tuyển sinh và hướng dẫn các thủ tục cho học sinh đăng ký tuyển sinh.
– Bắt đầu từ ngày 27/5/2013: Các trường mua hồ sơ tuyển sinh tại Sở GD&ĐT. Hướng dẫn học sinh làm hồ sơ, chú ý tư vấn học sinh chọn các nguyện vọng.
– Từ ngày 05/6 đến 12/6/2013: Tiến hành thu nhận hồ sơ dự tuyển sinh và nhập dữ liệu (Sở GD&ĐT sẽ cung cấp và hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý tuyển sinh, các đơn vị nhận ở  phòng Khảo thí và KĐCLGD-CNTT).
– Ngày 12/6/2013: Các trường báo cáo bằng văn bản dự kiến số điểm thi, số lượng học sinh dự thi, số phòng thi và dự kiến nhân sự hội đồng coi thi, chấm thi để Sở GD&ĐT ra quyết định thành lập Hội đồng coi thi, chấm thi (báo cáo theo mẫu gửi về phòng KT&KĐCLGD-CNTT).
– Ngày 14/6/2013: Các trường báo cáo bằng văn bản chính xác số điểm thi, số lượng học sinh dự thi, số phòng thi để Sở GD&ĐT in sao đề thi (Báo cáo theo mẫu gửi về phòng KT&KĐCLGD-CNTT).
– Từ ngày 14 – 15/6/2013: Các trường in danh sách học sinh dự thi có đầy đủ các dữ liệu và niêm yết công khai, hướng dẫn học sinh kiểm tra các dữ liệu nhất là các chế độ ưu tiên, khuyến khích và các nguyện vọng đăng ký, tiến hành điều chỉnh những sai sót.
– Ngày 17/6/2013: Các trường tiến hành in bảng ghi tên dự thi và các biểu mẫu liên quan, phát thẻ dự thi và niêm yết các danh sách, hướng dẫn theo quy định. Nộp đĩa dữ liệu về Sở GD&ĐT (gửi về phòng KT&KĐCLGD-CNTT)
– Sáng ngày 22/6/2013: Lãnh đạo các Hội đồng coi thi nhận đề thi tại Hội đồng ra đề thi.
– Ngày 24, 25/6/2013: Thi theo lịch. Sau buổi thi cuối cùng lãnh đạo các Hội đồng coi thi nộp bài thi và các loại hồ sơ thi cho lãnh đạo Hội đồng chấm thi.
– Từ chiều ngày 25/6/2013: Lãnh đạo Hội đồng chấm thi có mặt tại trường THPT Chuyên Nguyễn Du để nhận bài và làm việc. Hội đồng chấm thi sẽ hoàn thành công việc chấm thi chậm nhất vào ngày 02/7/2013.
– Dự kiến ngày 05/7/2013: Họp các Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh của các trường tổ chức thi tuyển với Lãnh đạo Sở GD&ĐT, lãnh đạo HĐ chấm thi, lãnh đạo các phòng chức năng của Sở GD&ĐT để quyết định chỉ tiêu, điểm chuẩn tuyển sinh các nguyện vọng và danh sách học sinh trúng tuyển cho mỗi trường.
– Từ ngày 08/7/2013 đến 10/7/2013: Các trường công bố điểm chuẩn và danh sách học sinh trúng tuyển khi được Giám đốc Sở phê duyệt. Thông báo kế hoạch nhận đơn phúc khảo của học sinh.
– Sau 7 ngày kể từ khi công bố điểm chuẩn trúng tuyển, các trường tiến hành nhận đơn xin phúc khảo bài thi của học sinh. Việc phúc khảo bài thi áp dụng Quy chế thi tốt nghiệp THPT. Sở GD&ĐT thông báo kế hoạch chấm phúc khảo cụ thể sau.
– Sau khi có danh sách trúng tuyển, các trường tiến hành xét học sinh vào các Ban theo nguyện vọng học sinh và điều kiện của nhà trường.
b) Lịch làm việc của Hội đồng tuyển sinh trường THPT DTNT N’Trang Lơng (theo hướng dẫn riêng)
c) Lịch làm việc của Hội đồng tuyển sinh các trường tổ chức xét tuyển sinh
– Từ ngày 20/5/2013, các trường thông báo kế hoạch tuyển sinh.
– Bắt đầu từ ngày 17/6/2013: Các trường mua hồ sơ hồ sơ tuyển sinh tại Sở GD&ĐT. Hướng dẫn học sinh làm hồ sơ tuyển sinh.
– Lập kế hoạch từ 10/7-17/7/2013 cho học sinh đăng ký, thu nhận hồ sơ, tổ chức xét tuyển sinh. Hạn chót 23/7/2013 phải nộp hồ sơ xét tuyển về Sở GD&ĐT (qua Phòng GDTrH) để duyệt gồm: biên bản xét duyệt, tờ trình đề nghị điểm chuẩn và số lượng tuyển sinh, danh sách và đĩa dữ liệu học sinh trúng tuyển.
– Trường THPT Phú Xuân:
+ Lập kế hoạch: Từ 10/7/2013 cho học sinh đăng ký xét tuyển, thu nhận hồ sơ, tổ chức xét tuyển.
+ Hạn chót 09/8/2013 phải báo cáo kết quả xét tuyển về Sở GD&ĐT (qua Phòng GDTrH) để duyệt gồm: biên bản xét duyệt, tờ trình đề nghị điểm chuẩn và số lượng tuyển sinh, danh sách và đĩa dữ liệu học sinh trúng tuyển.
V. TUYỂN SINH TIẾNG PHÁP NĂM HỌC  2013 – 2014
1. Tuyển sinh vào lớp 1 và lớp 6
Sở GD&ĐT giao cho phòng GD&ĐT thành phố Buôn Ma Thuột lập kế hoạch tuyển sinh cụ thể trình Sở GD&ĐT phê duyệt để thực hiện.
2. Tuyển sinh vào lớp 10 THPT
– Học sinh học chương trình tăng cường Tiếng Pháp cấp THCS được đăng ký dự thi vào trường THPT Chuyên Nguyễn Du theo quy chế trường chuyên.
– Những học sinh học chương trình tăng cường tiếng Pháp cấp THCS sẽ được xét tuyển vào học lớp 10 THPT (những học sinh này không phải đăng ký dự thi, dự xét vào các trường THPT không chuyên). Việc xét tuyển vào học lớp 10 THPT được tiến hành sau khi có kết quả thi tốt nghiệp Tiếng Pháp và theo đúng quy chế, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Những học sinh trúng tuyển vào lớp 10 sẽ được bố trí học tại một trường THPT thuộc địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, do Giám đốc Sở GD&ĐT quyết định.
VI. CÁC BAN VÀ SẮP XẾP HỌC SINH VÀO CÁC BAN Ở TRƯỜNG THPT
1. Các ban trong trường THPT
– Tất cả các trường THPT (kể cả các trường THPT chuyên biệt) tuyển sinh lớp 10 năm học 2013 – 2014 đều tiến hành phân ban theo chương trình phân ban của Bộ GD&ĐT.
– Hiệu trưởng trường THPT lập phương án phân ban. Phương án phân ban phải xác định rõ các ban và số lớp của từng ban. Đối với trường THPT có điều kiện về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất thì tổ chức 3 ban: ban Khoa học tự nhiên, ban Khoa học xã hội và Nhân văn và ban Cơ bản; đối với trường THPT chưa có điều kiện nói trên thì tổ chức 2 ban hoặc 1 ban.
– Phương án phân ban của trường THPT được xây dựng trên cơ sở chỉ tiêu tuyển sinh do Sở GD&ĐT giao, tình hình đội ngũ, cơ sở vật chất và yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực của địa phương.
– Hiệu trưởng các trường THPT gửi phương án phân ban về Sở (phòng GDTrH) trước ngày 18/7/2013 để Giám đốc Sở phê duyệt trước khi thông báo chính thức.
2. Căn cứ để xếp người học vào các ban
–  Phương án phân ban đã được phê duyệt.
– Kết quả tuyển sinh và nguyện vọng, năng lực của học sinh trúng tuyển.
     VII. CÔNG TÁC TÀI CHÍNH
Định mức chi cho công tác tuyển sinh thực hiện theo Quyết định số 23/2012/QĐ-UBND ngày 09 tháng 7 năm 2012 của UBND tỉnh Đắk Lắk Ban hành quy định mức chi xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, tổ chức các kỳ thi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và các văn bản hướng dẫn khác có liên quan.
 VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Đối với trường THPT
– Tổ chức học tập quy chế tuyển sinh cho giáo viên; phối hợp với các ban, ngành địa phương để tuyên truyền về chủ trương tuyển sinh, cử cán bộ coi thi, chấm thi theo đúng quy định.
– Xây dựng kế hoạch tuyển sinh của trường, chuẩn bị các điều kiện tiếp nhận hồ sơ; thông báo rộng rãi cho phụ huynh, học sinh nắm các thông tin cần thiết về tuyển sinh đặc biệt là quy định các loại hồ sơ, thời hạn nộp hồ sơ, tư vấn đăng ký nguyện vọng đối với phương thức thi tuyển. Thực hiện đầy đủ trách nhiệm quy định tại Khoản 2, Điều 21 của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT ban hành kèm theo Thông tư số 02/2013/TT-BGD&ĐT, ngày 30 tháng 01 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
– Thực hiện nghiêm túc quy chế tuyển sinh, các chỉ đạo và kế hoạch làm việc của Sở GD&ĐT.
– Các trường THPT xét tuyển sinh thuộc cùng địa bàn cấp huyện, phối hợp để tham mưu với UBND cấp huyện phân khu vực tuyển sinh phù hợp với điều kiện đi lại của học sinh.
2. Đối với Phòng Giáo dục và Đào tạo
– Tham mưu văn bản, hướng dẫn, kiểm tra công tác tuyển sinh của các trường trung học cơ sở.
– Chỉ đạo các trường THCS tổ chức cho giáo viên học tập quy chế tuyển sinh, phối hợp với các ban, ngành của địa phương để tuyên truyền về chủ trương tuyển sinh. Cử cán bộ coi thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT theo đúng quy định.
– Chỉ đạo các trường THCS thông báo rộng rãi cho phụ huynh, học sinh nắm các thông tin cần thiết về tuyển sinh; đặc biệt là quy định các loại hồ sơ, thời hạn nộp hồ sơ và đăng ký nguyện vọng đối với các trường THPT thi tuyển sinh.
– Chỉ đạo các trường THCS cấp phát cho học sinh các loại hồ sơ tuyển sinh đúng thời gian quy định để học sinh đăng ký tuyển sinh, hướng dẫn cho học sinh chọn trường dự tuyển sinh phù hợp khả năng và điều kiện của bản thân học sinh. Thực hiện đầy đủ trách nhiệm quy định tại Điều 21 của Quy chế tuyển sinh tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 02/2013/TT-BGD&ĐT, ngày 30 tháng 01 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Trên đây là kế hoạch tuyển sinh năm học 2013-2014. Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc, các đơn vị liên hệ với Phòng GDTrH Sở Giáo dục và Đào tạo để phối hợp giải quyết./.
Nơi nhận:                                                                        GIÁM ĐỐC
– UBND Tỉnh;
– Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ (để báo cáo);                                                                              
– Công An, Bưu điện Tỉnh, Sở Y tế, Sở Tài chính;                                                (Đã ký)
– Lãnh đạo Sở GD&ĐT;
– UBND các huyện, TX,TP (để phối hợp);                                                   
– Các trường THPT, PTDT nội trú; phòng GD&ĐT;                                                      Phan Hồng
   – Các phòng, ban Sở GD&ĐT;
– Lưu VT, GDTrH.

Tác giả bài viết: Cao Xuân Quế
Nguồn tin: Sở Giáo Dục Đào Tạo Đăk Lăk